CẨM NANG TỰ HỌC SKETCHNOTE CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

Xin chào mọi người,

Mình là Linh Phạm, một thành viên của nhóm The Thinking Pens.

LỜI MỞ ĐẦU

Câu chuyện của mình bắt đầu từ cách đây hơn 25 năm…

Vì yêu thích vẽ vời từ nhỏ, nên khi gặp những tiết học nhàm chán ở trên trường, mình vô thức nguệch ngoạc những hình vẽ đáng yêu lên giấy nháp để duy trì tỉnh táo.

Ban đầu, những hình vẽ của Linh không liên quan gì đến nội dung bài giảng cả. Nhưng dần dần, mình bắt đầu để ý là nếu những hình doodle này minh họa cho những gì thầy cô đang giảng, hoặc ghi lại những suy nghĩ của mình lúc bấy giờ, thì về sau khi đọc lại bài ghi, mình đều nhớ rất kỹ những gì đã học và đã nghe trên lớp. Và thế là từ lúc nào không hay biết, mình đã kết hợp hình vẽ với ghi chép thông thường để học tập và suy nghĩ hiệu quả hơn.

Mãi đến khi chị Dương - đồng nghiệp của Linh (sau này là co-founder của The Thinking Pens) - đặt câu hỏi:

Em làm thế nào để ghi chép hình ảnh vậy?”,

Linh mới biết, hóa ra mình đã sử dụng ghi chép hình ảnh từ trước khi biết đến khái niệm sketchnote.

Câu hỏi năm 2018 đã đặt nền móng cho hành trình của chúng mình.

Những ngày tháng sau đó, hai đứa chúng mình đã lao vào đọc sách và nghiên cứu về sketchnote. Chúng mình hy vọng có thể chắt lọc ra cách làm chủ kỹ năng tư duy bằng hình ảnh, đồng thời hệ thống hóa cách tạo ra những bản ghi chép bằng hình ảnh. Sau một thời gian dài chia sẻ về kỹ năng này trên Facebook page, trong các video trên Youtube và các khóa học cho đối tượng cá nhân và doanh nghiệp, chúng mình đã đúc kết được những nội dung cốt lõi mà mình nghĩ là rất cần thiết cho những bạn mới bắt đầu tìm hiểu về sketchnote.

Trong bài viết ngày hôm nay, Linh sẽ thay mặt các thành viên nhóm để chia sẻ chi tiết về cách các bạn có thể tự học sketchnote tại nhà với các bước thực hiện vô cùng đơn giản nha.

CÁC BƯỚC TỰ HỌC SKETCHNOTE

Với bất cứ kỹ năng mới nào, chúng ta cũng đều cần bắt đầu từ việc nắm được kỹ năng đó có tác dụng hay vai trò gì với mục đích sử dụng của mình, từ đó tiến tới định hình những việc mình cần làm để làm chủ kỹ năng đó.

Khi bắt tay vào tìm hiểu về sketchnote, Linh đã đặt ra cho bản thân 3 câu hỏi:

  1. Sketchnote có khác gì so với những hình thức ghi chép hình ảnh khác hay không?

  2. Sketchnote có lợi ích nào vượt trội hơn hay không?

  3. Những đối tượng nào sẽ nhận được nhiều lợi ích nhất khi luyện tập và sử dụng sketchnote?

Các bạn hãy cùng Linh từng bước tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi trên qua bài viết này nhé.

Bước 1: Làm rõ bản chất của sketchnote

Theo từ điển thì sketch là phác họa (vẽ nhanh), còn note là ghi chép. Khái niệm sketchnote được Mike Rohde đưa ra vào năm 2007 để chỉ hình thức ghi chép mà ông ấy thử nghiệm tại thời điểm đó với mục tiêu giúp việc ghi chép trở nên thú vị và hiệu quả hơn. Ở Việt Nam tính đến năm 2023 thì vẫn chưa có thuật ngữ phiên dịch chính xác cho khái niệm “sketchnote”. Một số nơi gọi hình thức này là diễn họa thông tin, một số khác thì gọi là ghi chép hình ảnh.

Hiện nay có rất nhiều tài khoản trên mạng xã hội chia sẻ những bản sketchnote xinh đẹp bắt mắt. Tuy nhiên chúng là sản phẩm sau nhiều giờ tỉ mỉ trình bày; hoặc thành phẩm của một người ghi chép có kinh nghiệm vẽ.

Nhưng, trên thực tế ghi chép chỉ là một bước trong quá trình học tập. Khâu này không nên được ưu tiên hơn tư duy, càng không nên tiêu tốn nhiều thời gian hơn việc chúng ta thật sự suy nghĩ và tìm hiểu vấn đề.

Hơn nữa, sketchnote chỉ là một phương pháp ghi chép với sản phẩm là những bản lưu trữ thông tin có yếu tố thị giác (hình vẽ, màu sắc,…). Như vậy thì học sketchnote không phải là học hội họa mà là học cách ghi chép bằng hình ảnh sao cho hợp lý và hiệu quả.

Linh đã trình bày rất kỹ về bản chất của sketchnote trong video dưới đây. Theo Linh, chúng ta càng hiểu rõ về công cụ này bao nhiêu thì sẽ càng tiết kiệm được thời gian khi tìm hiểu và luyện tập bấy nhiêu. Mọi người hãy xem thử để có thể định hình rõ nhất về kỹ năng này nha.

Bước 2: ĐỊNH HÌNH RÕ TÁC DỤNG CỦA KỸ NĂNG NÀY

Giống như bao công cụ khác, sketchnote được tạo ra để giải quyết một số vấn đề cụ thể. Và ở vị trí người sử dụng công cụ, chúng ta cần biết khi nào nên áp dụng cũng như khi nào thì không cần thiết phải sử dụng ghi chép hình ảnh.

Linh nghĩ là dù lựa chọn phương thức nào thì ưu tiên hàng đầu cũng là để phương thức đó phục vụ tốt nhất cho mục đích sử dụng của chúng ta. Vậy nên tung hô và thần thánh hóa công cụ này hay đặt giới hạn nghiêm ngặt khi sử dụng công cụ khác đều không phải cách làm hiệu quả, xét về cả tâm lý và thực tiễn sử dụng.

Cá nhân Linh vẫn luôn tin rằng khó có công cụ nào là tối ưu cho tất cả mọi người ở tất cả mọi trường hợp. Quan trọng là với từng đối tượng người dùng, ở từng trường hợp cụ thể thì công cụ được lựa chọn "đúng" và sử dụng "đủ". Ha?

Theo như những gì Mike Rohde chia sẻ trong cuốn “The Sketchnote Handbook: the illustrated guide to visual notetaking" (2012) thì sketchnote có 3 tác dụng chính:

  1. Tăng khả năng hiểu bài ngay khi nghe giảng

  2. Cải thiện đáng kể khả năng ghi nhớ và gợi nhớ lại thông tin

  3. Giúp Mike Rohde thư giãn và hào hứng khi ghi chép

Trong video Thực - hư tác dụng của sketchnote, Linh đã bàn kỹ và nêu ra quan điểm của cá nhân mình về các tác dụng này. Đồng thời mình cũng chỉ ra 2 tác dụng mà theo mình là giá trị thật sự của ghi chép hình ảnh nói chung và sketchnote nói riêng. Và 2 giá trị này (chứ không phải những hiệu quả hay được quảng cáo về sketchnote) mới là lí do vì sao cá nhân Linh rất thích sử dụng sketchnote và muốn lan tỏa nó đến với mọi người.

Các bạn hãy xem video để biết rõ hơn nhé.

Bước 3: Luyện tập các kỹ năng liên quan

Khi đã nắm chắc bản chất cũng như công dụng của sketchnote, thì việc tiếp theo chúng ta cần làm là bắt tay vào luyện tập các kỹ năng liên quan để làm chủ phương pháp này.

Từ kinh nghiệm cá nhân và qua nghiên cứu, quan sát thì Linh thấy

  1. Kỹ năng xử lý thông tin & chắt lọc từ khóa (khi nghe giảng và khi đọc sách), và

  2. Kỹ năng sketchnote

là hai kỹ năng cực kỳ cần thiết để có thể sketchnote nhanh và hiệu quả.

Mình đã chia sẻ về kỹ năng lọc từ khóa trong video “Từ khóa trong ghi chép hình ảnh”. Còn thông tin chi tiết về lộ trình, tài liệu, cách thức và công cụ luyện tập sketchnote, mình đã bàn đến trong video dưới đây.

Nói một cách đơn giản thì một bản sketchnote được tạo thành bởi 4 yếu tố chính như sau (theo như Mike Rohde tổng hợp):

1.Tiêu đề (bao gồm tên bài học và các đề mục trong bài)

Một tiêu đề nổi bật sẽ giúp thu hút ánh nhìn của chúng ta khi đọc lại những bản ghi chép mình từng thực hiện. Để tiêu đề bắt mắt hơn, bạn có thể sử dụng các thủ pháp:

Theo Linh, chúng ta không cần biết quá nhiều kiểu chữ khác nhau để có thể sketchnote hiệu quả. Ban đầu bạn chỉ cần nắm vững 1 kiểu chữ in hoa để viết tiêu đề. Sau đó có thể nâng cấp các tiêu đề đơn giản bằng cách đổ bóng chữ. Dần dà, nếu bạn hứng thú với các hình thức viết khác thì có thể tham khảo trên Pinterest để luyện tập thêm. Nhưng đừng quên tiêu đề nổi bật chỉ là một trong các yếu tố cấu thành nên sketchnote.

2. Kiểu chữ (bao gồm các phông chữ khác nhau để nội dung bài hoặc để trang trí và nhấn mạnh thông tin)

Kiểu chữ Linh hay dùng nhất khi sketchnote là:

  • sans serif (chữ viết tay không chân)

  • uppercase/all cap sans serif (chữ in hoa không chân)

Lý do mình lựa chọn 2 kiểu chữ này là bởi chúng đủ thoáng để dễ đọc và đủ đơn giản để viết cho nhanh. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể dùng kiểu chữ viết tay quen thuộc của chính mình mà không cần phải học bất cứ kiểu chữ mới nào. Hãy tập trung tinh lực cho việc chắt lọc thông tin và suy nghĩ về những nội dung mà bạn muốn viết nha. Còn trong trường hợp bạn muốn thử trải nghiệm những font chữ thẩm mỹ hơn, thì Linh đã làm rất nhiều video để các bạn tham khảo và luyện tập đó ạ.

3. Các loại sơ đồ và hình vẽ

Đúng như tên gọi của mình, sketchnote ngoài yếu tố “note” thì không thể thiếu đi yếu tố “sketch”. Tuy nhiên “sketch” ở đây không nhất thiết là các hình vẽ, mà còn có thể là các sơ đồ giúp chúng ta lưu giữ và nắm bắt thông tin một cách hiệu quả hơn.

Ví dụ, khi ghi chú về các mốc thời gian, chúng ta có thể sử dụng sơ đồ dòng thời gian (timeline) hoặc sơ đồ xương cá (fishbone diagram) chẳng hạn.

Nếu các bạn chưa tự tin lắm vào khả năng vẽ hình của bản thân thì Linh đã chuẩn bị sẵn rất nhiều tài liệu hướng dẫn các bạn tự xây dựng thư viện hình ảnh, cũng như cách luyện vẽ các hình đơn giản (mà vẫn xinh đẹp). Mọi người hãy thử kiếm một cuốn sổ tay và luyện tập xem sao nha.

4. Các yếu tố thị giác khác

Ngoài sơ đồ và hình vẽ, các yếu tố thị giác khác như 

  • Màu sắc

  • Vạch phân chia;

  • Mũi tên;

  • Các biểu tượng,

  • Các gạch đầu dòng

  • Các ô ghi chú

đều đóng vai trò nhất định trong việc làm nổi bật thông tin, cũng như điều hướng ánh nhìn của chúng ta khi đọc lại các bản ghi chép hình ảnh.

Khi đã tự tin hơn với khả năng chắt lọc cũng như tổ chức thông tin của bản thân, các bạn hãy tìm hiểu về các yếu tố này và luyện tập đưa chúng vào bản ghi chép nhé.

Bốn yếu tố cấu thành này được sắp đặt trên giấy như thế nào thì phụ thuộc vào tương quan bố cục sắp xếp, hay được Mike Rohde gọi là pattern, và dịch giả sách tiếng Việt đang gọi là khuôn mẫu.

Trong sách Sketchnote lý thuyết, Mike Rohde đã đề cập đến 7 loại bố cục sketchnote khác nhau.

Cá nhân Linh qua quá trình quan sát và trực tiếp sử dụng công cụ này thì thấy có 4 loại bố cục phổ biến nhất.

Nguyên lý lựa chon các bố cục này một phần dựa vào hướng đi của mắt (chị Dương đã từng có bài chia sẻ), phần khác phụ thuộc vào nội dung thông tin chúng ta đang cần xử lý. (Các bạn có thể đọc kỹ hơn về các bố cục này trong bài viết trên page của team.)

Nắm được 4 yếu tố cấu thành và 4 bố cục sắp xếp thông tin thì bạn đã có thể tự tin sketchnote bất cứ nội dung nào bạn muốn rồi.

Bước 4: TẠO DỰNG THÓI QUEN

Bước cuối cùng trong hành trình làm chủ kỹ năng, chính là thường xuyên luyện tập và áp dụng. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi người mà từ giờ đến lúc các bạn cảm thấy thoải mái khi sử dụng sketchnote sẽ cần khoảng thời gian dài ngắn khác nhau. Nhưng nếu bạn đã chịu khó đọc đến đây và có cách nhìn nhận đúng hơn về sketchnote thì mình nghĩ là ngày đó sẽ không xa đâu.

Linh chỉ có một lưu ý nhỏ là khi mới bắt đầu, bao giờ chúng ta cũng sẽ cảm thấy choáng ngợp với lượng kiến thức và kỹ năng mới cần phải luyện tập. Để tránh tình trạng này, các bạn đừng ép bản thân phải ghi chép hình ảnh ngay khi nghe giảng, hoặc ép bản thân phải có sản phẩm đẹp long lanh sau khi tiêu thụ nội dung nặng ký như một cuốn sách. Thay vào đó, hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ.

Hãy quan sát những bản ghi chép trước đây của bạn và tự đặt câu hỏi: “Ý này mình có thể minh họa bằng hình ảnh được không nhỉ?” hay “Chỗ này mình có thể làm nổi bật nội dung bằng mầu sắc hay ký hiệu nào?”, v..v… Dần dần khi đã tự tin hơn, hãy tiến đến sử dụng ghi chép hình ảnh cho những nội dung ngắn. Cứ như vậy ngày qua ngày, sẽ có lúc bạn giật mình ngạc nhiên khi bản thân có thể ghi chép hình ảnh một cách “tự nhiên như hơi thở” đó.

Chúc các bạn tìm được thật nhiều niềm vui khi luyện tập sketchnote nha.

Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết hoặc video khác của The Thinking Pens.

Linh.

Next
Next

SKETCHNOTE A QUOTE - SEASON 1 - EP 1